Trong quý III, giá phòng bình quân của khách sạn 4-5 sao giảm gần 27% so với cùng kỳ năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo của CBRE Việt Nam cho biết, trong quý III, giá phòng bình quân thị trường khách sạn cao cấp của thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 61 USD, giảm 26,8%, doanh thu trên mỗi phòng khách sạn cũng giảm 71,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường khách sạn 4-5 sao tại TP HCM có tổng cộng hơn 11.180 phòng, tuy nhiên công suất phòng bình quân chỉ đạt 35,2%. Các phòng, khách sạn sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa do mức giá thuê phòng bình quân vẫn trên đà xuống thấp.
Nguyên nhân dẫn đến sự lao dốc không phanh này là do đợt dịch lần thứ tư buộc phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Trên phạm vi toàn thành phố, hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ, các tuyến vận tải cố định liên tỉnh, đường bay nội địa kết nối với các hoạt động dịch vụ không thiết yếu đều tạm dừng. Điều này càng làm cho thị trường khách sạn thêm nhiều sức ép do toàn ngành đã gặp khó kể từ các đợt dịch trước.
Tưởng chừng như lượng khách nội địa sẽ giúp phần nào gỡ gạc được nhưng trong 9 tháng đầu năm nay, lượng khách nội địa đến TP HCM đã giảm 31% so với cùng kỳ, trong khi đó khách quốc tế hầu như không có. Để vượt qua những gia đoạn khó khăn này, các khách sạn đã chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh để nhanh chóng thích nghi như đăng ký làm cơ sở cách ly có trả phí, cung cấp dịch vụ lưu trú dài hạn.
Dự báo sau khi dỡ phong tỏa, thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới cùng với tiến độ triển khai tiêm vaccine đang được đẩy mạnh hứa hẹn giúp thị trường khách sạn giảm dần áp lực, quay trở lại phục hồi. TP HCM cũng đang từng bước cho phép một số hoạt động kinh doanh dịch vụ được vận hành trở lại với điều kiện đảm bảo yêu cầu an toàn về phòng chống dịch.
CBRE nhận định, thị trường khách sạn 4 và 5 sao kỳ vọng có thể đón cơ hội hồi phục trong năm 2022, thời điểm Việt Nam bắt đầu triển khai kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế đón khách du lịch nước ngoài trở lại.